Sinh viên Trường Đại học Y Dược tham gia hiến máu tình nguyện
“Vào một đêm mưa đầu tháng 8-2018, tôi nhận được tin khẩn cấp từ Khoa Huyết học lâm sàng (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên): Có bệnh nhi đang trong tình trạng xuất huyết giảm tiểu cầu, bắt buộc phải truyền tiểu cầu gấp mà bệnh viện đã cạn nguồn dự trữ tiểu cầu nên rất cần sự hỗ trợ từ các tình nguyện viên. Thông tin từ các bác sĩ cho biết, bệnh nhân có nhóm máu B, trùng với nhóm máu của tôi. Tôi tức tốc đến ngay bệnh viện với mong muốn duy nhất là cứu người. Sau khi được truyền tiểu cầu kịp thời, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch”. Đó là câu chuyện chúng tôi được nghe từ bạn Phạm Việt Dũng, sinh viên lớp Bác sĩ đa khoa K46D kể về kỷ niệm đáng nhớ trong những lần hiến tiểu cầu và hiến máu tình nguyện. Dũng là một trong những tấm gương hiến máu tiêu biểu của nhà trường với 12 lần tình nguyện hiến máu và hiến tiểu cầu, trong đó có 6 lần hiến cấp cứu.
Nói thêm về hiến tiểu cầu, chàng sinh viên này cho biết, sau vài lần đầu hiến máu, qua xét nghiệm bác sĩ nói Dũng có đủ điều kiện về sức khỏe để hiến tiểu cầu. Mà hiện nay, số lượng người hiến tiểu cầu rất ít, chính vì thế mà tiểu cầu tiếp nhận được từ người hiến là vô cùng quý giá cho việc điều trị và cấp cứu. Biết được điều này, Dũng đã không ngần ngại đăng ký tên mình vào danh sách “ngân hàng tiểu cầu sống” của Trung tâm Huyết học - Truyền máu. Hễ khi nào tiểu cầu trong kho cạn kiệt, hoặc những trường hợp cấp bách, bác sĩ chỉ cần nhấc điện thoại là Dũng lập tức có mặt.
Cũng là gương mặt tiêu biểu trong hoạt động hiến máu nhân đạo của trường, Đỗ Thị Lụa, lớp Bác sĩ đa khoa K47B tham gia hiến máu ngay từ năm thứ nhất. Sau đó, Lụa tham gia vào Câu lạc bộ (CLB) Thanh niên tình nguyện vận động hiến máu nhân đạo của Nhà trường và hiện giờ là chủ nhiệm CLB. Ngoài giờ học, Lụa dành phần lớn thời gian vào hoạt động tình nguyện như: tham gia truyền thông hiến máu, tổ chức các sự kiện hiến máu... Lụa chia sẻ, em cùng các bạn đi tuyên truyền vận động hiến máu dưới trời nắng nóng hay những hôm lạnh căm căm ở bến xe, ngõ phố là bình thường. Có người chưa kịp nghe đã xua tay, có người lại bày tỏ mình không có thời gian, những lúc đó Lụa cùng các bạn phải kiên trì, nhẫn nại, mềm dẻo để mang đến thông điệp và ý nghĩa cao cả của hiến máu truyền tải tới người dân. Học năm thứ 5, Lụa có 10 lần hiến máu tình nguyện. “Với sinh viên ngành Y, chứng kiến cảnh bệnh nhân nằm trên giường bệnh chỉ sống khi được truyền máu từ người khác không phải hiếm. Hiến những giọt máu của mình cho họ, em cảm thấy rất vui vì mình đã làm được một việc tốt” - Lụa nói.
Là những y, bác sĩ tương lai nên sinh viên Trường Đại học Y - Dược hiểu rõ hơn ai hết ý nghĩa và tầm quan trọng của việc hiến máu. Những năm qua, hiến máu tình nguyện đã trở thành nét nổi bật trong các hoạt động của tuổi trẻ Nhà trường và tạo sức lan tỏa lớn. Triển khai công tác này, ngay từ đầu mỗi năm học, Đoàn Thanh niên Nhà trường kêu gọi, vận động đoàn viên, sinh viên toàn trường tham gia hiến máu bằng nhiều hình thức, như: Gửi thư ngỏ đến sinh viên; tổ chức từng nhóm nhỏ tới các lớp học, ký túc xá Nhà trường để tuyên truyền, vận động sinh viên tham gia hiến máu nhân đạo, phổ biến các quy định về hiến máu, giúp mọi người hiểu rõ việc hiến máu không ảnh hưởng tới sức khỏe… Nhờ vậy, số lượng tình nguyện viên trong Trường tham gia hiến máu và số lần tham gia hiến máu ngày càng tăng.
Để hoạt động này phát đạt quả cao, Đoàn trường đã thành lập và duy trì CLB Thanh niên tình nguyện vận động hiến máu nhân đạo. Sau 11 năm hoạt động, đến nay CLB có 250 thành viên và gần 200 cộng tác viên. Trong đó, số người tham gia hiến máu trên 10 lần là hơn 10 người; trên 7 lần là hơn 90 người; trên 5 lần là hơn 110 người… Những thành viên, cộng tác viên này cũng chính là những “ngân hàng máu sống”, sẵn sàng tiếp máu cho người bệnh mỗi khi cần. Từ năm 2015 đến nay, mỗi năm Đoàn trường tổ chức 6-8 đợt hiến máu tập trung (chưa kể những lần huy động sinh viên tham gia các đợt vận động hiến máu cấp tỉnh, Thành phố hay rất nhiều những ca hiến máu cấp cứu tại các bệnh viện). Trung bình mỗi đợt thu được từ 400 - 600 đơn vị máu, số lượng máu sẽ được cung cấp vào kho dự trữ của Trung tâm Huyết học - Truyền máu.
Tôi còn nhớ, tại Lễ phát động chiến dịch vận động hiến máu tình nguyện dịp Tết Kỷ Hợi và “Lễ hội hội Xuân hồng” được tổ chức vào tháng 1 vừa qua, một bệnh nhân nữ ngoài 30 tuổi mắc bệnh tan máu bẩm sinh đã có mặt tại chương trình để cảm ơn những người đã đến hiến máu. Chị tâm sự, nếu không có những giọt máu của người hiến tặng thì hàng ngàn người mắc căn bệnh này khó có thể sống sót. Mặc dù khi được truyền máu, người bệnh không biết những giọt máu này do ai hiến tặng, nhưng đối với họ đó là những giọt nghĩa tình. Mỗi giọt máu cho đi - một cuộc đời ở lại, thông điệp đó được các bạn trẻ của Trường Đại học Y - Dược hiểu thấu và chuyển hóa bằng những hành động cụ thể. Mỗi giọt máu hồng các bạn sẻ chia là một câu chuyện, là nghĩa cử cao đẹp đối với cộng đồng.
Nguồn tin: Đoàn thanh niên
Tác giả: Huy Toản – Báo Thái Nguyên