“Bản chất việc tiêm chủng là sử dụng vắc xin để kích thích cơ thể sinh ra miễn dịch chủ động đặc hiệu chống lại một bệnh truyền nhiễm nào đó. Đến nay đã có khoảng 30 bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh và khoảng 190 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đưa văc xin vào sử dụng phổ cập cho người dân và tiêm chủng thực sự có vai trò rất lớn đối với toàn xã hội. Khoảng 85% – 95% người được tiêm chủng sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh”[3].
Việc tiêm vaccine giúp tăng cường sức đề kháng, chống lại khả năng gây bệnh của tác nhân gây bệnh nào đó: Bạch hầu, ho gà, cúm, sởi… Bên cạnh tác dụng giúp trẻ trẻ em sẽ khỏe mạnh, không bị các di chứng, dị tật do bệnh truyền nhiễm gây ra giúp trẻ phát triển thể chất và trí não bình thường, giảm chi phí cho chăm sóc y tế ở trẻ em, tiêm chủng còn giúp bảo vệ sức khỏe cho cả người lớn như vắc xin phòng cúm, phòng viêm màng não do não mô cầu, phòng ung thư gan, ung thư cổ tử cung... Tất cả những điều này góp phần quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực, xóa đói, giảm nghèo bền vững[3].
Chương trình TCMR ở Việt Nam và thành tựu
Chương trình TCMR là chương trình y tế quốc gia được quan tâm hàng đầu ở nước ta. Sau hơn 30 năm triển khai đã đạt được những thành tựu đáng khen ngợi:
Được triển khai thí điểm từ năm 1981, sau 3 năm đã có hơn 50% số tỉnh triển khai dịch vụ TCMR.
Năm 1985, chương trình TCMR được đẩy mạnh và triển khai trên phạm vi cả nước với 6 loại vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm là Lao, Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Sởi, Bại liệt.
Năm 1990, đã có 100% số huyện với trên 96,4% số xã triển khai chương trình TCMR
Năm 1995 ngành y tế đã hoàn toàn xóa bỏ được các xã trắng về tiêm chủng, đánh dấu mốc quan trọng trong công tác TCMR về thực hiện tiêm chủng ở 100% xã phường trên toàn quốc .
Năm 1997: Bốn văc xin mới tiếp tục được đưa vào triển khai miễn phí trong chương trình TCMR củaViệt Nam là văc xin viêm gan B, văc xin viêm não Nhật Bản B, văc xin thương hàn, tả. Đánh dấu 10 loại vắc xin được triển khai trong TCMR.
Năm 2003, văc xin viêm gan B được triển khai trên cả nước.
Năm 2014 vắc xin Viêm não Nhật bản B đã được triển khai trên 100% số huyện trong cả nước. Vắc xin tả, thương hàn được triển khai ở các vùng nguy cơ mắc bệnh cao[1].
Từ tháng 6/2010, vắc xin Hib phòng bệnh viêm phổi và viêm màng não mủ do Hib trong thành phần vắc xin phối hợp DPT-VGB-Hib (QUINVAXEM) được triển khai trên toàn quốc, đây là vắc xin thứ 11 được đưa vào TCMR ở Việt Nam.
Năm 2012 vắc xin phòng bệnh rubella là vắc xin thứ 12 được triển khai trong chương trình TCMR của Việt Nam.
Cuối năm 2018 vaccine ComBE Five được dùng để thay thế vaccine Quinvaxem trong chương trình TCMR.
Những thành tựu nổi bật của chương trình TCMR ở Việt Nam
Sau hơn 30 năm triển khai, chương trình TCMR đã gặt hái được nhiều thành quả:
• 11 nghìn xã phường, 704 huyện của cả nước được tiêm chủng
• Hơn 1,6 triệu trẻ em, gần 1,7 triệu phụ nữ có thai được bảo vệ hàng năm với khoảng 50 triệu mũi tiêm để phòng 12 bệnh nguy hiểm phổ biến nhất liên quan đến sự sống còn của trẻ em
• Đã quét sạch và làm biến mất hoàn toàn bệnh đậu mùa từ năm 1979, bệnh bại liệt từ năm 2000, bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005.
• Đang thực hiện mục tiêu loại trừ bệnh sởi và giảm tỷ lệ nhiễm viêm gan vi rút B ở trẻ dưới 5 tuổi xuống 1% trước năm 2020.
• Các bệnh truyền nhiễm khác trong chương trình TCMR như bạch hầu, ho gà, viêm não nhật bản, sởi đã giảm 1 cách ngoạn mục từ hàng trăm đến hàng nghìn lần so với thời kỳ trước tiêm chủng[2].
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chương trình tiêm chửng mở rộng quốc gia (2019), Lịch sử tiêm chửng mở rộng, Chương trình TCMR quốc gia, Hà Nội, accessed 29/8/2019-2019, from .
2. Chương trình tiêm chửng mở rộng quốc gia (2019), Thành quả tiêm chủng mở rộng, Chương trình TCMR quốc gia, Hà Nội, accessed 29/8/2019-2019, from .
3. Dương, Trần Như (2017), Tại sao tiêm chủng lại quan trọng như thế, Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia, Hà Nội, accessed 29/8/2019-2019, from .