Tổng giám đốc WTO (giữa) trong cuộc họp báo sau phiên họp kín vê dịch viêm đường hô hấp do chủng virus corona mới (2019nCoV) gây ra, tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 30/1/2020.
Đây là loại virus gây bệnh viêm phổi khởi phát từ Trung Quốc. Theo báo cáo của đại diện Bộ Y tế nước này, hiện có 7.711 trường hợp xác nhận nhiễm bệnh và 12.167 trường hợp nghi ngờ trên toàn quốc. Trong số các trường hợp được xác nhận có 1.370 ca là nghiêm trọng và 170 người đã tử vong, 124 người đã hồi phục và được xuất viện.
Ban thư ký WHO đã cung cấp số liệu tổng quan về tình hình ở các quốc gia khác. Hiện có 82 trường hợp tại 18 quốc gia. Trong số này, chỉ có 7 người không có lịch sử du lịch tại Trung Quốc. Đã có sự lây truyền từ người sang người ở 3 quốc gia ngoài Trung Quốc. Một trong những trường hợp này là nghiêm trọng và không có trường hợp tử vong.
PHEIC là công cụ ràng buộc về mặt pháp lý quốc tế liên quan đến phòng chống dịch bệnh, giám sát, kiểm soát và phản ứng. PHEIC lần đầu tiên được ban bố tháng 4/2009 khi xảy ra dịch cúm lợn (H1N1), lần thứ hai được ban bố tháng 5/2014 do bệnh bại liệt, lần thứ ba trong dịch virus Ebola ở Tây Phi và lần thứ tư là khi bùng phạt dịch virus Zika ở châu Mỹ.
WHO từng hai lần từ chối ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu liên quan đến virus corona mới. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp và tốc độ lây lan nhanh của dịch bệnh này, nhiều chuyên gia trên thế giới đã kêu gọi WHO xem xét tình trạng hiện tại và đưa ra cảnh báo đại dịch toàn cầu.
Mặc dù vậy, Ủy ban khẩn cấp WHO tin rằng vẫn có thể ngăn chặn sự lây lan virus với điều kiện các nước áp dụng các biện pháp mạnh để phát hiện sớm bệnh, cách ly và điều trị các trường hợp, theo dõi liên lạc và thúc đẩy các biện pháp ngăn chặn xã hội tương xứng với rủi ro.
Điều quan trọng cần lưu ý là khi tình hình tiếp tục phát triển thì sẽ phải đề ra các mục tiêu và biện pháp chiến lược để ngăn ngừa và giảm lây nhiễm. Ủy ban nhất trí rằng dịch bệnh cần có sự phối hợp quốc tế trong việc khắc phục căn bệnh để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Việc tuyên bố PHEIC cần được nhìn nhận trên tinh thần ủng hộ với người dân Trung Quốc và các hành động mà Trung Quốc đã thực hiện trên tuyến đầu trước sự bùng phát dịch bệnh. Phù hợp với nhu cầu đoàn kết quốc tế, WHO nhận thấy cần thể hiện nỗ lực phối hợp toàn cầu để tăng cường sự chuẩn bị ở các khu vực khác trên thế giới mà có thể cần hỗ trợ thêm cho việc này.
Ủy ban khẩn cấp hoan nghênh một phái bộ các chuyên gia đa ngành của WHO sắp tới Trung Quốc để xem xét và hỗ trợ các nỗ lực điều tra nguồn động vật của ổ dịch, mức độ nghiêm trọng và lây truyền từ người sang người trong cộng đồng, trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe và nỗ lực kiểm soát ổ dịch. Phái bộ WHO này sẽ cung cấp thông tin cho cộng đồng quốc tế để hỗ trợ tìm hiểu tình hình, cho phép chia sẻ kinh nghiệm và các biện pháp thành công.
WHO tiếp tục sử dụng mạng lưới các chuyên gia kỹ thuật để đánh giá mức độ bùng phát trên toàn cầu; cung cấp hỗ trợ tăng cường cho việc chuẩn bị và ứng phó, đặc biệt là ở các quốc gia và khu vực dễ bị tổn thương; các biện pháp để đảm bảo sự phát triển nhanh chóng và tiếp cận với các loại vaccine tiềm năng, các loại thuốc kháng virus và các phương pháp trị liệu khác cho các nước thu nhập thấp và trung bình nên được phát triển.
Ở Việt Nam, tính đến 15h20 ngày 30/1, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã phát hiện 3 trường hợp là công dân Việt Nam dương tính với vi rút corona mới. Ba người đều trở về từ Vũ Hán (Trung Quốc). Trong 3 trường hợp trên, có 1 người đang được cách ly và điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa; 2 trường hợp còn lại đang cách ly và điều trị tại cơ sở 1 và cơ sở 2 của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Những người đã tiếp xúc với các bệnh nhân này cũng đang được theo dõi và cách ly.
Như vậy, đến thời điểm này, Việt Nam đã ghi nhận 5 trường hợp nhiễm vi rút nCoV. Trước đó là hai cha con người Trung Quốc điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP. Hồ Chí Minh, trong đó người con cho kết quả âm tính./.
Nguồn dangcongsan.vn (Phòng CNTT-TV sưu tầm)